Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Rừng hồn trâu cảu người thái đen Tây Bắc


Đây là bãi đá cổ có tên là “Đông quái hà” - tức rừng trâu chết gồm hàng ngàn tảng như những con trâu nằm với mọi tư thế ở xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Bãi đá cổ này nằm dưới chân thác nước có tên là “Nặm tốc tát” - tức thác nước rơi. Người Thái Đen Tây Bắc và một số khu vực lân cận quan niệm những linh hồn người sau khi qua đời phải bám vào dây “Khau cát” - tức dây sắn rừng vượt ba tầng thác để lên trời tiếp tục sống ở một thế giới khác. Những tảng đá là phần hồn của những con trâu dùng để cúng tế trong những đám ma của những người quá cố biến thành. Hàng năm khi đến mùa vụ mới, những linh hồn đang sống ở thế giới bên kia sẽ xuống dắt trâu lên trời cày bừa. Người Thái Đen Tây Bắc rất tôn trọng khu rừng đá thiêng này. Trong cuốn “Xống khuôn mứa phạ”, tức “Đưa hồn lên trời” của người Thái có đoạn: “Mưa họt đông quái hà, pá quái tai/ Quái chảu chắng pói kin nhả/ Phôn tốc chắng au mưa háy cả/ Pha họng chắng au mứa háy ná”, nghĩa là: Lên đến rừng trâu thiêng, bãi trâu chết/ Trâu mình mới thả rông ăn cỏ/ Khi mưa rơi mới dắt về bừa ruộng mạ/ Trời sấm mình mới dắt về bừa ruộng”. Trong “Đông quái hà”, trâu đá to nhất là của hai vợ chồng Tạo Xuông, người có công đưa người Thái Đen thiên di từ phương bắc vào Việt Nam từ thế kỷ 11. Trâu đá của Tạo Lò, con trai của ông bà Tạo Xuông, là người tiếp tục sự nghiệp của cha xây dựng nên đất Mường Lò rộng lớn phì nhiêu nhỏ hơn chút ít, tất cả đầu đều hướng về “Nặm tốc tát” như ngóng đợi người xuống dắt. Đường lên trời lắm ngả: “Mưa họt hay khon khoang/ Táng luông hẳn mưa họt sam síp khóc táng hạu/ Táng mưa phi lai nga…”, nghĩa là: Lên đến nương Khon Khoang/ Đường lớn hẳn ba mươi đường giao nhau/ Đến chín mươi đường nối tiếp/ Đường đi như cựa gà/ Đường đan chéo như mũi dùi xiên/ Đường ma đi nhiều ngả/ Đường lên trời nhiều lối ngàn đường”. Rồi không chỉ có người Thái Đen Tây Bắc, mà còn có cả những người Thái Đen từ Lào, Thái Lan… cũng theo đường này lên trời: “Táng nị táng má đaư/ Táng mứa Lự mứa Lao/Táng mứa Lao khẹo lón…”, nghĩa là: Đường này là đường nào/ Đường người Lự người Lào/ Đường người Lào răng trắng…”. Linh hồn được thầy mo đẫn đường vượt bao thác ghềnh, qua bao nhiêu ngả, cho đến khi đến được cõi trời được đưa vào các “Đẳm đoi”. Trong quan niệm cổ nếu như vùng “Liên pán luông” là của hàng ngũ quí tộc, được hưởng một cuộc sống vô cùng hạnh phúc, no đủ, thì tại các “Đẳm đoi” là nơi dành cho tầng lớp bình dân: “Làm nhiều được ăn ít/ Người biết già như rượu biết nhạt…”. Có thể nói vùng “Liên pán luông” là một cách lí tưởng hóa cuộc sống, chắp cánh cho những ước mơ về một thế giới ấm no hạnh phúc của người dân lao động. Loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan, thì “Nặm tốc tát” và “Đông quái hà” thể hiện nhận thức về vũ trụ, quan niệm thế giới ba tầng thông tỏ và giao cảm, cùng những ước mơ một ngày mai tươi sáng hơn của người Thái Tây Bắc. Ngày nay người Thái Đen Tây Bắc và các vùng lân cận vẫn giữ tục hỏa táng và dẫn hồn lên trời theo đường “Nặm tốc tát”, nhưng đã có nhiều tiến bộ trong lối sống. Nếp sống văn minh đã dần thay thế những hủ tục lạc hậu, nhưng “Nặm tốc tát” và “Đông quái hà” vẫn được tôn trọng và bảo vệ như một hành động hướng về cội nguồn. Bãi đá cổ “Đông quái hà” và dòng “Nặm tốc tát’ đã được UBND tỉnh Yên Bái và UBND huyện Văn Chấn tổ chức bảo tồn coi đây là một di tích văn hóa và đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Trần Vân Hạc F.201, Nhà.B4, Ngõ.189, Thanh Nhàn - P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét