Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Người mù chơi cây cảnh

Chơi cây cảnh là nghề lắm công phu. Người bình thường đã khó, còn người mù, chơi cây cảnh là chuyện xưa nay hiếm. Thế mà có thật, anh Trần Văn Đàm, ở TP Huế đã tạo ra những thế cây độc đáo đầy nghệ thuật.

Từ cuộc đời đến chuyện chơi cây cảnh của anh là cả quá trình gian nan, kỳ lạ.

Cuộc đời chìm nổi

Gặp anh trong khuôn viên Nhà văn hóa Huế. Anh lững thững đi như người bình thường, xăm xăm chững chạc. Tôi bán tín bán nghi, lại gần thì đúng thiệt. Hai con mắt anh mù thật!

Đầu năm 1981, thanh niên Trần Văn Đàm 24 tuổi, cái tuổi đầy ước mơ, nhiều dự định, theo đoàn thanh niên đi khai hoang vùng kinh tế mới thì cuốc phải bom. Quả bom oan nghiệt sót lại sau chiến tranh phát nổ, cướp đi đôi mắt của Đàm, cắt lìa bàn tay trái, bàn tay phải chỉ còn ba ngón... Lúc ấy gia cảnh nghèo, không đủ điều kiện chạy chữa, cha mẹ anh chỉ biết nhìn con bị mù mà chảy nước mắt.

Ngày ngày, Đàm vật lộn với ý nghĩ muốn chết. Bác sĩ về khám phát thuốc, anh dồn lại một vốc uống cho chết, nhưng không chết, sau này mới biết là thuốc bổ. Từ đó Đàm bỏ ý định tự tử nhưng lại sống buồn chán. Ngày nào láng giềng thôn Ba Xã, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc cũng nghe anh hát. Hát trong nghẹn ngào. Hát như níu kéo lại những tháng ngày còn sáng mắt. Một hôm có người nói: “Mi hát hay rứa răng không lên Huế hát rong kiếm tiền”. Tưởng đùa cho vui, ai ngờ anh lên Huế thật...

Năm 1982 Đàm lên Huế, không cắc bạc lận lưng, không loa đài để hát. Mấy ngày đầu vừa xin ăn vừa lân la dò hỏi gánh hát rong để xin hát thuê. “Ban ngày tui lần mò đi hỏi gánh hát, ai cho cơm thì ăn, đêm về lần xuống cầu Tràng Tiền ngủ”. Rồi Đàm cũng gặp được gánh hát. Anh hát thuê được sáu tháng, có chút vốn cộng ít tiền người bà con cho, Đàm quyết định sắm loa ra riêng. Anh không cần người dẫn, lần mò từng bước một, vừa đi vừa hát. Có người đàn ông tên Vinh ở An Cựu vì mê tiếng hát ấy đã cho anh ở nhờ không lấy tiền...

Một hôm đang loay hoay vào chợ Đông Ba, bất ngờ một bàn tay con gái dịu dàng cầm tay anh dắt vào. Những hôm sau nữa cũng bàn tay ấy dắt anh vào. Hỏi ra mới biết vì “mê thơ anh Đàm”.

Anh nhớ lại: “Mấy hôm hắn (anh gọi vợ bằng hắn) dắt tay tui vô chợ, xong hắn lủi, tui không kịp cảm ơn, ai dè hắn trốn từ xa coi tui hát, rồi còn kêu tui đọc thơ”. Bà con bán quanh đó nhận thấy tình cảm của cô gái làm thuê thật thà liền vun vào cho anh Đàm. Hai vợ chồng anh cù bơ cù bất 1 năm, anh chị bên vợ thấy tội kêu về chia cho đám đất 170m2. “Có mảnh đất dung thân - anh kể tiếp - tui ôm vợ mà hét: ngẩng mặt được rồi em ơi!

Làm giàu bằng cây cảnh

Đầu tiên anh dựng căn lều. Đi hát cùng vợ từ sáng sớm đến tối mịt mới về căn lều nhỏ. Quanh năm suốt tháng nắng cũng như mưa, vợ chồng anh cần cù cất lời ca mua vui trên từng con phố. Hát mãi anh bàn với vợ tìm việc khác. Trằn trọc mãi, anh cũng nín lòng giã từ đời hát rong vào năm 1988 để xoay sang trồng cây cảnh - một quyết định làm vợ, con và bạn bè cực “sốc”.

Nói là làm, anh xách xà beng đi đào gốc cổ thụ về trồng. Anh hí hoáy đào, dò dẫm từng bước. Sờ gốc cây nào có cảm giác to sần sùi là đào. Những lần đầu anh sai bét, khuân về nhà toàn gốc cây tạp, ai cũng cười. Anh tự ái, bắt vợ đi hái lá mưng về cho anh phân biệt. Rồi anh cũng phân biệt được lá mưng to, rìa lá có gai, lá mai cũng có gai nhưng nhỏ, lá khế nhỏ mà mượt...

Anh lân la khắp hang cùng ngõ hẻm hỏi chuyện cây, thế cây, làm sao uốn nắn cây theo ý muốn. Có người coi khinh, có người tận tình giúp đỡ. Có sách hướng dẫn trồng cây cảnh, anh nhờ người đọc để học tập. Kiên trì mãi anh cũng làm được, mạnh dạn vay tiền Hội Người mù đầu tư. Bây giờ vườn cây của anh gồm mai, sung, mưng, bon sai... có giá những mấy trăm triệu đồng.

Chuyện anh Đàm chơi cây cảnh, theo nhiều người là “làm cho những người sáng mắt sáng ra”. Nhiều người đến mua cây cảnh rất tin tưởng sự chu đáo cùng cái tâm anh đầu tư. Nhiều chủ vườn thuê anh chăm chút vườn cây “ưa làm chi thì làm, uốn sao thì uốn tùy ý”.

Từ khi anh được thuê chăm sóc cây cảnh đến nay cũng gần mười năm nhưng không ai phàn nàn. Giới chơi cây cảnh cố đô mỗi khi nhắc đến anh Đàm mù, ai cũng tỏ thái độ khâm phục. Cây cảnh của anh hiện đã có mặt ở một số khách sạn có tiếng như khách sạn Duy Tân trên đường Hùng Vương.

Hỏi anh có ước mong gì, anh nói “chỉ mong có đám đất rộng để tập trung cây chăm sóc cho tiện vì hàng trăm chậu cảnh của anh đang gửi nhờ nhà người quen”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét